Gần đây, luật công bằng tài chính (FFP) đã được UEFA thông qua với những quy định mới. Theo đó, tài chính của các câu lạc bộ sẽ minh bạch hơn, bị siết chặt giám sát hơn và trừng trị nặng nề hơn. Điều này sẽ giải quyết những vấn đề mờ ám tài chính giữa các câu lạc bộ.
Các CLB công khai tài chính
Mới đây cuộc họp tại Brussels (Bỉ) đã thống nhất một số điều chỉnh nhằm tăng cường sức mạnh cho luật công bằng tài chính. Điểm mới đáng chú ý là kể từ bây giờ, các câu lạc bộ sẽ phải công khai tài khoản ngân hàng cũng như sổ sách tài chính. Mọi hoạt động kinh doanh và chuyển nhượng sẽ được trưng ra dưới ánh mặt trời. Đây là biện pháp được UEFA học tập người Pháp. Ở giải Ligue 1, các câu lạc bộ đều phải công khai tài chính với DNCG (đây là cơ quan kiểm soát tài chính các câu lạc bộ Pháp).
Nhằm để minh bạch hơn, UEFA cũng bắt buộc các câu lạc bộ phải công khai tiền hoa hồng trả cho người đại diện. Ví dụ như “siêu cò” Mino Raiola nhận tới 49 triệu euro tiền hoa hồng từ vụ chuyển nhượng Paul Pogba. Số tiền này sẽ được cả Juventus lẫn M.U trả cho Raiola. Tuy nhiên “siêu cò” người Italia lại giấu tịt con số nhận được từ nhà vô địch Serie A. Trong quy định mới, UEFA muốn kiểm soát chặt hơn không chỉ các câu lạc bộ mà ngay cả những người đại diện vốn chỉ quen “đi đêm”.
Báo S.O.S nếu lỗ 100 triệu euro trên TTCN
Vấn đề chuyển nhượng giữa các câu lạc bộ được UEFA đặc biệt lưu tâm. Quy định mới của luật công bằng tài chính đòi hỏi cao hơn về sự cân bằng tài chính trong các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ. Rõ hơn là, nếu một đội bóng thâm hụt 100 triệu euro trong các thương vụ mua bán cầu thủ của một mùa chuyển nhượng. Ngay lập tức đội bóng đó sẽ bị UEFA đặt vào tình trạng báo động.
Ủy ban kiểm soát tài chính các CLB là ICFC sẽ giám sát chặt chẽ và yêu cầu sự bảo đảm tài chính từ CLB đó. Nếu quy định này ra đời sớm hơn, Man City đã rơi vào vòng nguy hiểm khi thâm hụt lên đến 152 triệu euro ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2017. Đồng thời, UEFA đã thông qua “những chỉ số tài chính mới nhằm theo dõi chính xác hơn ngân sách của câu lạc bộ”.
Trừng phạt nhanh chóng
UEFA muốn các câu lạc bộ phải bị trừng phạt nhanh hơn. Trong mùa hè năm ngoái, UEFA đã tiến hành điều tra PSG sau khi đội bóng nhà giàu nước Pháp chi đến 400 triệu euro tậu Mbappe và Neymar. Tuy nhiên thì rốt cuộc, PSG vẫn trải qua một mùa giải 2017/18 không hề hấn bởi những trừng phạt của UEFA, bởi khi tiến trình điều tra UEFA quá chậm chạp. Kết luận cuối cùng về câu lạc bộ PSG sẽ chỉ có trong tháng 6 tới. Cơ quan đầu não bóng đá châu Âu sẽ áp dụng luật công bằng tài chính và không để tình trạng xử án lề mề này tiếp tục tái diễn.
Người phát ngôn của ICFC phát biểu trên tờ Le Monde, cho rằng việc giám sát gắt gao về chuyển nhượng và nợ nần sẽ giúp họ ra quyết định nhanh hơn, nóng sốt hơn. Thậm chí ngay lập tức khi phát hiện tài chính câu lạc bộ có vấn đề. Nói là làm, ban lãnh đạo UEFA đang tăng tốc độ tối đa trong vụ xử Milan vi phạm luật công bằng tài chính. Đội chủ sân San Siro có thể sẽ phải nhận án phạt cấm tham gia các thương vụ chuyển nhượng và loại khỏi đấu trường châu Âu mùa giải tới.
Với những thay đổi trong luật công bằng tài chính hy vọng UEFA sẽ thanh lọc các vụ chuyển nhượng “về đêm”. Các thương vụ sẽ được kiểm soát và trừng phạt đúng lúc và kịp thời hơn những đội bóng để thâm hụt tiền.